CÁCH NHẬN BIẾT CÁC SẢN PHẨM KÍNH VÀ ỨNG DỤNG KÍNH PHÙ HỢP

Theo số liệu của Hiệp hội Kính xây dựng Việt Nam (Vieglass), nhu cầu kính xây dựng trong nước đang tăng rất mạnh, trung bình từ 8-10%/năm. Dự báo đến 2016, cả nước sẽ cần khoảng 180 triệu m2 kính mỗi năm. Với một thị trường đầy tiềm năng như vậy, hiện nay đã có nhiều đơn vị sản xuất kính ra đời nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng trong nước.

 

Kính trên thị trường hiện nay chủ yếu được phân chia theo mức độ truyền sáng và cấu tạo của kính. Trong đó, dựa trên khả năng truyền sáng, các loại kính gồm có kính trong suốt, kính mờ, kính phản quang. Dựa trên cấu tạo của kính, gồm kính thường, kính cường lực, bán cường lực và kính an toàn hay kính hộp. Mỗi dòng kính này đều có những chức năng cũng như ưu nhược điểm nhất định, phù hợp với từng yêu cầu của công trình. Tuy nhiên, không phải người dùng nào cũng có thể hiểu và phân biệt được rõ.

Kính cường lực được sản xuất từ nguyên liệu kính thường tôi ở nhiệt độ 700 độ C và cho nguội nhanh bằng khí để tạo sức căng bề mặt, tăng khả năng chịu lực, chống va đập, chịu tải trọng lớn và chống vỡ. Kính cường lực có thể chịu lực gấp 4-5 lần so với kính thông thường cùng loại, cùng độ dày và kích thước. Khi bị tác động gây vỡ, kính cường lực vỡ thành nhiều mảnh vụn nhỏ như hạt lựu, không gây sát thương cho người sử dụng.

Trong khi đó, kính bán cường lực cũng có quy trình tôi luyện như kính cường lực nhưng gia nhiệt và làm nguội theo phương thức riêng, cho phép chịu lực gấp 2-3 lần so với kính thông thường cùng loại.

Trong thành phần của kính thường tồn tại một lượng rất nhỏ tạp chất Nicken Sulfua không thể loại bỏ được hết, chính tạp chất này qua quá trình tôi kính sẽ bị biến đổi có thể gây nên hiện tượng kính nổ tự phát trong quá trình sử dụng. Vì vậy, nếu điều kiện kinh phí cho phép, nên sử dụng kính cường lực đã được đưa qua thiết bị kiểm tra kính sau tôi (Heat-Soak-Test). Trong quá trình kiểm tra này, những sản phẩm kính lỗi sẽ tự vỡ, giảm thiểu nguy cơ vỡ tự phát khi sử dụng.

Kính cường lực và bán cường lực có độ cứng cao nên chịu được lực va đập mạnh, chống rung nên là sự lựa chọn tốt nhất cho hệ vách nhôm kính lớn trong những tòa nhà có kiến trúc hiện đại, làm vách kính mặt tiền hay trong nhà. Kính cường lực với độ dày lớn còn có thể dùng làm sàn nhà, sàn chiếu nghỉ, bậc cầu thang. Trong một số trường hợp đặc biệt, kính cường lực còn được dùng cho cửa kính tàu hỏa, tàu thủy…

Kính an toàn là loại kính có cấu trúc đặc biệt, với hai lớp kính đơn được rửa sạch bằng nước sạch khử i-on rồi ép vào nhau bởi màng phim PVB và được chưng ở nhiệt đô cao 130 độ C, để tạo sự liên kết và độ trong suốt của tấm kính. Loại kính dán an toàn này có khả năng chịu được va đập mạnh, vẫn đứng vững trong cửa ngay cả khi bị đập rạn vỡ nên thích hợp làm cửa cho nhà cao tầng.

Đặc biệt, nhờ lớp màng phim mà kính an toàn rất khó bị cắt rời nên có khả năng chống trộm tốt, hợp để làm cửa với kích thước không quá lớn và ở những nơi xung yếu như cửa đi chính, cửa sổ mà không phải làm thêm song sắt chống đột nhập. Trong một số công trình có yêu cầu an toàn đặc biệt, có thể dùng kính cường lực dán an toàn.

Kính phản quang là loại kính phẳng được phủ trên bề mặt 1 lớp phản quang bằng oxit kim loại có tác dụng phản lại ánh sáng mặt trời. Thông thường người ta chỉ sử dụng kính phản quảng một phần nhằm giúp giảm cường độ ánh sáng đi vào trong nhà mà không sử dụng kính phản quang toàn phần.

Bởi vì nếu dùng kính phản quang toàn phần tòa nhà sẽ giống như một tấm gương phản chiếu lại ánh sáng, gây nóng cho nhà đối diện. Việc sự dụng kính phản quang còn khiến cho người bên ngoài không nhìn được vào bên trong ngôi vào nhà ban ngày.

Kính Low-E là loại kính được phủ lên bề mặt một loại hợp chất đặc biệt giúp kính có tính năng phát xạ nhiệt chậm, làm giảm sự phát tán, hấp thụ nhiệt lượng, làm chậm quá trình truyền tải nhiệt, giảm sự truyền nhiệt giữ trong và ngoài ngôi nhà nhưng vẫn đảm bảo độ sáng trong căn phòng. Kính Low-E thường được dùng trong sản xuất hộp kính để tăng mức độ cách nhiệt của cửa.

Hộp kính thường được dùng làm cửa sổ, cửa đi chính nhằm tăng khả năng cách âm, cách nhiệt. Hộp kính có thể cấu tạo 1 hộp (gồm 2 lớp kính) hoặc 2 hộp (gồm 3 lớp kính) với các loại kính cường lực, kính an toàn, kính phản quang, kính Low-E. Đối với khí hậu Việt Nam do không quá lạnh nên chủ yếu dùng hộp kính với hai lớp kính. Hộp kính với kết cấu dạng hộp có khoảng trống ở giữa được nạp khí Argon (khí trơ) là khí không truyền âm, truyền nhiệt cho phép hộp kính có khả năng cách âm, cách nhiệt.

Tuy nhiên, sản xuất hộp kính phải luôn trong điều kiện buồng kín, độ ẩm thấp, nhằm tránh hiện tượng đọng hơi nước. Ngoài ra, để đạt hiệu quả cách âm, cách nhiệt tốt nhất hộp kính cần phải kết hợp với khung uPVC hoặc nhôm có cầu cách nhiệt, hệ gioăng và hệ phụ kiện kim khí đồng bộ.

Bên cạnh việc hiểu rõ đặc điểm và những tính năng của từng loại kính sử dụng cho cửa sổ, cửa đi, người dùng nên tìm đến những nhà cung cấp có uy tín để đảm bảo chất lượng cho công trình của mình. Những nhà cung cấp này không chỉ có những tư vấn phù hợp cho khách hàng, sản phẩm của họ luôn tuân thủ các tiêu chí, tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng được quy định bởi cơ quan chức năng cũng như các Viện nghiên cứu uy tín trên thế giới.

Trong số nhiều bộ quy chuẩn và hệ thống đánh giá chất lượng kính hiện nay, Kitemark là hệ thống chứng nhận cho sản phẩm và chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn được điều hành và công nhận bởi Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI Group), ra đời vào năm 1903. Cho tới nay, Kitemark được coi là hệ thống chứng nhận chất lượng sản phẩm lâu đời nhất, cũng là biểu tượng cao nhất về sự tin cậy, tính toàn vẹn và chất lượng trên toàn thế giới.

Tiêu chí hàng đầu, tối quan trọng của chứng nhận Kitemark là đề cao tính an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng. Với hệ thống dây chuyền, trang thiết bị sản xuất kính hiện đại, Eurowindow đã đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của Viện Tiêu chuẩn Anh, vượt qua giai đoạn đánh giá hệ thống sản xuất, kiểm soát chất lượng tại xưởng để trở thành thương hiệu về kính duy nhất ở Việt Nam hiện nay được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế cho các sản phẩm kính cường lực, kính an toàn và kính hộp.

(Nguồn: Eurowindow)

Các bài viết khác